ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ AI?

Đức Chúa Trời không chỉ là Đức Chúa Trời của mỗi Cơ Đốc Nhân nhưng Ngài là Đức Chúa Trời của muôn dân, của cả kiềng khôn vũ trụ này. Có thể nói ngôn ngữ con người sẽ không đủ để diễn tả hết được Đấng chúng ta đang tín thác và thờ phượng thật sự là ai. Nhưng bởi ơn Chúa đã mặc khải cho chúng ta những đặc tính của Ngài và ở đây có bảy điều được nêu ra để bày tỏ về chính Ngài: 

1. Đấng Tự Hữu

“Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn-vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.” Giăng1:1-3
Đức Chúa Trời không có sự khởi nguồn. Đây là điều khiến Ngài khác biệt với những thần hư không khác. Việc truy nguyên nguồn gốc chỉ áp dụng cho những gì được tạo dựng mà thôi.

Vào một hôm nọ, khi vẫn còn là một đứa trẻ, tôi nằm dài trên bãi cỏ trước sân nhà, lặng nhìn những vì sao trên bầu trời đêm. Dì của tôi là một nhà truyền giáo, cũng ở đó, và tôi đã hỏi bà, “ dì ơi, Chúa từ đâu mà có?”. Từ chiếc ghế bập bênh ở hiên nhà, ngoại tôi thật sự sốc khi tình cờ nghe tôi hỏi một câu như vậy. Nhưng thật ra, theo một cách đơn giản nào đó, ai cũng đã từng nghĩ về câu hỏi mang tính thần học sâu sắc này.

Và đáp án cho câu hỏi này là: Đức Chúa Trời không đến từ nơi nào cả. Ngài nằm ngoài tầm với của chúng ta, vượt xa những phạm trù con người và sẽ không chịu bất kỳ sự chất vấn lý trí nào của con người. Vì Ngài là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14). Không ai có thể lý giải được sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta nắm bắt được tầm quan trọng của ý tưởng đó rồi, điều này sẽ truyền cảm chúng ta đến với những tầm cao hơn của sự thờ phượng.

2. Đấng Đầy Trọn

Bất kể Đức Chúa Trời là gì, hay Đức Chúa Trời là tất cả, thì Ngài vẫn ở trong chính Ngài. Ngài là Đấng ban cho tất cả và chưa bao giờ nhận lại điều gì mà Ngài chưa từng ban cho trước tiên. Đức Chúa Trời không có nhu cầu. Nếu nói Đức Chúa Trời có nhu cầu là thừa nhận rằng Ngài không trọn vẹn trong bản thể thiêng liêng của Ngài. Nhu cầu là một từ ngữ của các tạo vật thì không thể nào được nói ra từ Đấng tạo hoá. Sự quan tâm của Ngài đối với các tạo vật đến từ sự vui thích tốt đẹp của Ngài, chứ không phải từ bất kỳ nhu cầu nào mà các tạo vật đó có thể đáp ứng.

Vì vậy, Đức Chúa Trời tạo dựng con người và các thiên sứ với mục đích thờ phượng Ngài không phải là để đáp ứng một nhu cầu chưa trọn vẹn trong Ngài. Đức Chúa Trời không hề bất an hay cảm thấy trống trải. Sự thờ phượng của con người không làm tăng lên hoặc thêm vào bất cứ điều gì cho Ngài. Ngài cũng sẽ không thiếu điều gì nếu chúng ta không thờ phượng Ngài. Ngài yêu thích sự thờ phượng của chúng ta chứ không phải Ngài cần điều đó.

Như A. W. Tozer đã từng nói: Chúng ta thường diễn tả Chúa như một người Cha bận rộn, đầy tham vọng, và có phần bực nhọc, vội vã tìm kiếm sự giúp đỡ để thực hiện kế hoạch nhân từ của Ngài nhằm mang lại hòa bình và sự cứu rỗi cho thế giới....

Đức Chúa Trời là Đấng làm mọi sự chắc chắn không cần sự giúp đỡ và cũng không cần người giúp đỡ.
Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao trên hết mọi sự. không gì có thể vượt xa khỏi Ngài. Không gì có thể vượt trên Ngài. Bất kỳ chuyển động nào đi theo đường lối của Ngài đều là sự cất lên cao đối với tạo vật.

Nếu mọi người trên trái đất đều là người vô thần, thì điều đó cũng sẽ không ảnh hưởng đến Chúa chút nào. Dẫu con người có tin cậy hay nghi ngờ Chúa thì điều này cũng không thể khiến sự trọn vẹn Ngài được thêm lên hay bớt đi. Không ai có thể nâng cao Ngài, và cũng không ai có thể hạ thấp Ngài.

Đức Chúa Trời tồn tại vì chính Ngài, và con người tồn tại vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự tôn vinh cao cả của Đức Chúa Trời là một thực tế ở trên thiên đàng và cũng phải tràn đầy ở dưới đất. Ngài không cần một ai, nhưng Ngài làm việc thông qua những ai có đức tin nơi Ngài. Ngài đã tạo dựng và duy trì sự sáng tạo của Ngài theo một trật tự hoàn hảo mà không cần bất cứ điều gì hay bất cứ ai. Ngài thật trọn vẹn trong chính Ngài. Để nhận biết một Đức Chúa Trời như cách mà chính Ngài vẫn hằng hiện hữu – hãy sâu nhiệm Chúa mỗi ngày trong sự thờ phượng Ngài.

4. Đấng Vô Hạn

“Vô hạn” là từ chỉ được dùng riêng cho một mình Đức Chúa Trời.
Ngài là Đấng vô lượng vô biên. Chúng ta không thể dùng đơn vị tính toán, số lượng, hay kích cỡ khi nhắc đến Ngài. Bởi vì những điều đó chỉ nói lên một chừng mực nhất định, còn Ngài thì lại không. Trong Ngài không có sự tăng trưởng hay cần thêm lên bất kì điều gì.
Và hễ điều chi ra từ Ngài cũng đều trở nên vô hạn. Món quà của cõi đời đời cũng là không có giới hạn. Vì vậy, sự vô hạn của Đức Chúa Trời đang ngự trong mỗi một cơ đốc nhân chúng ta - là những con người hữu hạn. Lòng thương xót của Ngài là vô cùng.
“Nơi nào tội lỗi gia tăng, thì ân điển lại càng dư dật hơn” - Rô-ma 5:20.
Tội lỗi, nỗi khiếp sợ của thế gian, vẫn không ngừng diễn ra, nhưng bất kể tội lỗi có được phơi bày nhiều đến đâu đi chăng nữa thì ân điển vẫn luôn luôn dư dật hơn, và đó chính là vô hạn, vì Đức Chúa Trời chúng ta không có giới hạn. Đức Chúa Trời tuyệt vời hơn mọi ngôn ngữ được dùng để bày tỏ, không một câu từ nào có thể nói lên chính Ngài. Những bài hát được cho là xúc cảm nhất cũng chỉ mới bắt đầu miêu tả về Đức Chúa Trời. Không có lời nhạc nào có thể truyền tải hết được Ngài là ai. Những lời ngợi khen và thờ phượng cao quý nhất của chúng ta cũng là điều tầm thường so với Đức Chúa Trời thánh khiết. Nhưng khi sự vô hạn của Ngài được bày tỏ trong buổi thờ phượng, điều đó có thể khiến một tấm lòng trở nên mạnh mẽ hơn để thờ phượng Ngài. Và cách nhìn của chúng ta về Đức Chúa Trời cũng sẽ được mở mang.

5. Đấng Bất Biến

Đức Chúa Trời nói về Ngài: “Ta không hề thay đổi” (Ma-la-chi 3:6). Ngài không bao giờ làm khác đi với chính mình. Những loài sanh linh có thể thay đổi từ tốt đến xấu, hoặc từ xấu đến tốt. Tự bản thân những tạo vật này cũng có thể thay đổi, phát triển từ chưa trưởng thành đến trưởng thành. Nhưng Đức Chúa Trời không thể thay đổi theo bất kỳ chiều hướng nào cả. Ngài không hề thay đổi.
Đức Chúa Trời không thay đổi để trở nên tốt hơn. Ngài là Đấng thánh khiết tuyệt đối. Sự thánh khiết Ngài không bao giờ nhiều hơn hay ít đi. Sẽ không thể nào có sự suy giảm về bản tính và bản chất của Ngài.
Tất cả những gì là Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ luôn luôn là như vậy và tất cả những gì là Ngài thì Ngài đã, đang và sẽ mãi mãi y nguyên. Một sự thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất cũng có thể khiến Ngài không còn trọn vẹn và vĩnh hằng nữa.
Cái nhìn của Ngài đối với chúng ta trong hiện tại, trong quá khứ và tương lai đời đời là không hề thay đổi. Và đây là một niềm an ủi. Vì chúng ta không cần phải tự hỏi rằng: liệu Ngài có vui lòng đón nhận khi chúng ta thờ phượng Ngài hay không. Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi tâm trạng hoặc đánh mất tình yêu thương và lòng nhiệt thành của Ngài. Chúa sẽ không thỏa hiệp hay nghe lời dua nịnh nào. Chúa cũng không hề bị thuyết phục để thay đổi lời của Ngài.
Không điều gì Đức Chúa Trời từng nói về Ngài sẽ bị sửa đổi, và không điều gì mà các nhà tiên tri hoặc sứ đồ đã nói về Ngài sẽ bị hủy bỏ. Nếu ngày xưa Ngài ngự trong sự ngợi khen của các tín đồ, thì ngày nay Ngài cũng ngự trong sự ngợi khen của chúng ta. Chúng ta không cần phải thuyết phục, dua nịnh, lừa dối hay cố gắng kiểm soát Ngài. Nếu chúng ta có thể bắt Ngài làm điều gì đó không theo sự lựa chọn của Ngài, thì Ngài sẽ không phải là Đức Chúa Trời như những gì chúng ta vừa mô tả ở trên.
Chúng ta không thể kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời khi thờ phượng theo kiểu: chúng ta tự tạo ra sự hiện diện của Ngài như thể chúng ta đang gọi một vị thần ra từ một ngọn đèn trong tay mình. Những nỗ lực của chúng ta không khiến Đức Chúa Trời làm bất cứ điều gì Ngài chưa hứa làm trong Kinh thánh. Nhưng Ngài ngự giữa những lời ngợi khen của chúng ta bởi vì Ngài có hứa và Ngài sẽ làm cho thành. “Còn Chúa là thánh, Ngài là Đấng ngự giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên.” Thi-thiên 22:3...

6. Đấng Tối Cao

Ai hùng mạnh hơn đấng vĩ đại nhất? Ai cao cả hơn đấng cao cả nhất? Đức Chúa Trời nhận lời khuyên từ ai? Ngài cúi mình trước ngôi vương nào? KHÔNG MỘT AI CẢ. Đức Chúa Trời nằm ở mốc cao nhất của mọi giới hạn, mọi mục tiêu và mọi mưu cầu. Không ai có thể nào tuyệt vời hơn, vĩ đại hơn, hùng mạnh hơn, am tường hơn, vững chắc hơn hay tốt lành hơn Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời tối cao. Quyền tối thượng nghĩa là Đức Chúa Trời không bị ràng buộc - Ngài tự do để làm bất cứ điều gì Ngài muốn, bất cứ nơi nào Ngài chỉ định, và tại mọi thời điểm để thực hiện mục đích đời đời của Ngài. Đức Chúa Trời có trọn thẩm quyền để làm những gì Ngài muốn. Sự tự do và quyền tể trị tồn tại hài hòa và đồng nhất bên trong Đức Chúa Trời. Khi con người chọn làm điều ác, họ không chống lại ý muốn tối cao của Đức Chúa Trời. Nhưng thay vào đó làm trọn ý muốn của Ngài - là cho phép con người có cơ hội để lựa chọn. Đức Chúa Trời vận hành cách vững bền trên dòng lịch sử, không điều gì có thể cản trở hay làm rúng động quyền tể trị của Ngài; hầu cho các công việc Ngài đã định sẵn từ buổi sáng thế được trọn vẹn trong Đấng Christ.

7. Đấng Siêu Việt

Chúng ta không thể tôn cao Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng của mình. Nhưng chúng ta công bố sự tôn cao của Ngài. Bởi vì tự Ngài đã được tôn cao và chúng ta đơn giản là chỉ công bố điều đó qua sự thờ phượng. “Siêu việt” có nghĩa là Chúa được tán dương vượt trên tất cả tạo vật, không chỉ về địa lý mà còn ở khía cạnh cuộc sống. Ngài được tôn cao đến mức tư tưởng của con người không thể nào hiểu thấu.
Đấng cao cả, Đấng được tôn cao, ngự nơi đời đời vô cùng, Danh Ngài là Thánh; Đấng ấy phán: “Ta ngự trong nơi cao và thánh” Ê-sai 57:15a
Ngài mãi mãi riêng biệt, trong ánh sáng không thể nào với tới. Ngài cao hơn tất cả tạo vật, từ sinh vật đơn bào nhỏ bé đến thiên sứ trưởng trên cao, vì khoảng cách giữa Ngài với mọi vật là vô hạn.
Chẳng phải rất lạ lùng hay sao, khi cảm nhận được ngon lửa của sự hiện diện Thánh và nghe thấy lời được phán ra từ miệng của Đức Chúa Trời, chẳng phải rất kì diệu hay sao khi Ngài đến với thế gian và lắng nghe những điều mà Cơ đốc nhân nói? Vậy mà những bài hát của chúng ta cứ dường như trống rỗng, và những bài giảng cũng trở nên nhàm chán. Làm thế nào bạn được nóng cháy để diễn tả về Ngài trong mọi bài hát cũng như lời nói. Chẳng lẽ bạn muốn sáng tác một bài hát về điều gì khác ngoài niềm tin đối với Đức Chúa Trời? Chẳng lẽ bạn muốn làm điều gì khác hơn là thờ phượng?

Có một cái nhìn đúng đắn về Chúa sẽ giúp chúng ta thêm lên lòng yêu mến và kính sợ Đức Chúa Trời, cuối cùng là một sự đáp ứng chân thành trước một Đức Chúa Trời Tự Hữu, Đầy Trọn, Vĩnh Cửu, Vô Hạn, Bất Biến, Tối Cao, Siêu Việt – Đấng xứng đáng nhận lấy lời ngợi khen - thờ phượng trong đời này và cõi đời đời.

Nguồn: LaMar Boschman (A Heart of Worship)